VIETNAM'S '0' COMMITMENT OF ZERO EMISSIONS COMMITTED TO THE WORLD
 
VIETNAM'S '0' COMMITMENT OF ZERO EMISSIONS COMMITTED TO THE WORLD

Truyền thông quốc tế cho rằng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam thực sự đi đầu về hành động chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1/11 tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, đã thu hút được sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế, khi lãnh đạo Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời "phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu".

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng khẳng định dù là nước đang phát triển mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phối hợp với các nước để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tuyên bố quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao về Biến đổi Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, ngày 1/11. Ảnh: AFP.

 

Phát thải ròng bằng "0" nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được rừng và đại dương hấp thụ.

Hãng thông tấn Reuters đã đăng tiêu đề nổi bật về cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam trong một bài viết đăng cùng ngày. "Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác đã cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu", bài viết có đoạn.

Bài viết cũng dẫn lời Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một hội nghị bàn tròn bên lề COP26, khẳng định Việt Nam sẽ bắt tay vào cắt giảm sản lượng nhiệt điện than, đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời lên 31-38 gigawatt vào năm 2030.

Báo Financial Times ngày 2/11 liệt kê Việt Nam nằm trong những nước đặt mục tiêu tham vọng và rõ ràng về cắt giảm khí thải, bên cạnh Ấn Độ hay Brazil.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 vào năm 2070, trễ hơn 20 năm so với Việt Nam, nhưng Ấn Độ là nước gây ô nhiễm lớn thứ ba thế giới. Brazil lại đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải trong thập kỷ này.

Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đăng hình Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị và chụp ảnh cùng Thủ tướng Boris Johnson.

"Thực sự ấn tượng với mục tiêu phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP26. Đây là một bước tiến thực sự tham vọng và góp phần lớn vào nỗ lực giữ nhiệt độ hành tinh tăng không quá 1,5 độ và ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu", Đại sứ quán Anh viết.

Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Chính phủ Anh Alok Sharma cũng đăng bài trên Twitter bày tỏ ấn tượng trước tuyên bố của Việt Nam về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Cam kết "cho thấy tinh thần đi đầu về khí hậu thực sự của Việt Nam", ông Sharma đánh giá. "Rất mong được hợp tác để hỗ trợ thực hiện cam kết quan trọng này".

Theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc và giới khoa học, nếu các chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức, phần lớn Trái Đất sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Tình trạng nước biển dâng, sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng, ngày càng nhiều giống loài tuyệt chủng là hậu quả rõ rệt vài năm qua.

Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới. Thế giới đã nóng lên 1,1°C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên Hợp Quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới.

Chính vì thế, không ít người cho rằng COP26 chính là cơ hội cuối cùng và tốt nhất của nhân loại nhằm cứu Trái Đất trước khi nó bị "đốt nóng" đến mức không thể cứu vãn.

 

Vũ Hoàng (Theo Reuters, Financial Times)

02/06/2022 11:45:06